Kon Tum là tỉnh nằm ở phía bắc vùng Tây Nguyên 0 phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía nam giáp tỉnh Gia Lai, phía đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía tây có biên giới dài 142 km giáp Attapeu, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và 95 km với Ratanakiri, Vương quốc Campuchia.
Theo ngôn ngữ Ba Na thì Kon là làng, Tum là hồ và Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ, bởi xưa kia khu vực này đã từng có một hồ lớn.
Tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, với 96 xã, phường và thị trấn, bao gồm
Thành phố Kon Tum, Huyện Đắk Glei, Huyện Đắk Hà, Huyện Đắk Tô, Huyện Kon Plông, Huyện Kon Rẫy, Huyện Ngọc Hồi, Huyện Sa Thầy, Huyện Tu Mơ Rông.
Kon Tum nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Nhiệt độ trung bình năm phổ biến các nơi đạt 22 – 23 độ C. Độ ẩm bình quân hàng năm 78 – 87%. Lượng mưa trung bình 1.730 – 1.880 mm, có sự phân hóa theo thời gian và không gian. Khí hậu chia 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa chủ yếu bắt đầu từ tháng 4, 5 đến tháng 10, 11, tập trung đến 85 – 90% lượng mưa cả năm.
Một số địa chỉ du lịch Kon Tum như:
Vườn quốc gia Chưmomray
Với tổng diện tích 48.658ha thuộc huyện Sa Thầy và huyện Ngọc Hồi, cách thành phố Kon Tum 55km về phía Tây. Vườn quốc gia Chư Mom Ray là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động, thực vật rừng quý hiếm, các thảm thực vật rừng nguyên sinh, các sinh cảnh quan trọng. Bảo vệ, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn thuỷ điện Ya Ly, các con sông trong vùng, bảo đảm an ninh môi trường và phát triển bền vững kinh tế tự nhiên.
Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng bắc Tây Nguyên. Chuẩn bị cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng. Tham gia hợp tác quốc tế về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên liên biên giới Việt Nam – Lào-Campuchia.
Khu vực lòng hồ Ya Ly
Ya Ly đã thực sự là một cái tên rất quen thuộc đối với du khách trên mọi miền đất nước, khi nói đến Ya Ly người ta thường nghĩ đến cảnh đẹp, núi non hùng vĩ và là nơi tiềm ẩn những huyền thoại.Thuỷ điện Ya Ly đã hình thành một khu vực lòng hồ rộng lớn.
Du khách có thể xuất phát từ làng du lịch ĐăkBlà (thành phố Kon Tum) xuôi về làng văn hoá dân tộc Jarai (phía trên đập thuỷ điện) nơi đây còn nguyên nét văn hoá sơ khai của dân tộc Tây Nguyên. Với cảnh quan thiên nhiên, con người, khu vực lòng hồ Ya Ly thực sự là nơi thăm quan, du lịch lý tưởng với những người yêu thích thiên nhiên, tìm về cuội nguồn.
Rừng thông Măng Đen (Kon Plong)
Từ Kon Tum theo quốc lộ 24 về hướng Đông khoảng 55km, cách huyện lỵ Kon Plong chừng 10 km du khách đến một rừng thông bạt ngàn mênh mông trên một bình nguyên bao la ở độ cao 1.100 m so với mặt nước biển, có những cây thông đã được trồng từ lâu, sừng sững và cao vút. Rừng thông Măng Đen đang là điểm du lịch và nghỉ ngơi của nhân dân địa phương và du khách.
Rừng đặc dụng Đăk Uy
Rừng đặc dụng Đăk Uy cách thành phố Kon Tum 25 km về phía Bắc, theo quốc lộ 14 thuộc xã Đăk Mar, Hà Mòn - huyện Đăk Hà.
Rừng đặc dụng Đăk Uy có diện tích 690 ha, nằm ở một địa hình khá bằng phẳng, thuận lợi về mặt giao thông và các thuận lợi khác. Rừng có nhiều loại gỗ quí sống hỗn giao, như Cẩm lai, giáng hương, gỗ trắc,... ở đây các cây dược liệu, các loại hoa cũng rất phong phú và đa dạng như Sa nhân, Sâm Nam,..., tại khu vực này có nhiều động vật quí sinh sống... Rừng có nhiều loài chim như: Cò trắng, vạc, nhồng, sáo đen, gà rừng...tạo ra nét phong phú, sinh động cho một khu du lịch sinh thái.
Với những thuận lợi về phát triển du lịch, rừng đặc dụng Đăk Uy hiện nay là nơi thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ và đặc biệt các trường học trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức cho các em học sinh đến đây để thăm quan, tìm hiểu về các loại gỗ quí, các loại động vật thực vật nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái của học sinh.
Di tích lịch sử Ngục Kon Tum
Di tích lịch sử Ngục Kon Tum đã được xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia, di tích nằm trên địa bàn thành phố Kon Tum. Đây là nơi thực dân Pháp đã giam giữ các chiến sỹ cách mạng của ta trong thời kỳ năm 1930 - 1931. Những ngôi mộ của những chiến sỹ vô danh, nhà ngục, các vật chứng tàn bạo của nhà ngục, những dấu tích của nó được thể hiện ngay trước mắt chúng ta, về một minh chứng hùng hồn về một cuộc đấu tranh đầy đau thương và mất mát, hy sinh nhưng vô cùng kiên cường, anh dũng của dân tộc ta trên con đường giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Di tích lịch sử ngục Đăk Glei
Ngục Đăk Glei nằm ở phía Bắc thị trấn Đăk Glei, đi theo quốc lộ 14. ngục được xây dựng năm 1932 là nơi thực dân pháp đã giam giữ các chiến sỹ cách mạng Việt Nam trong những năm 1932 – 1954, trong đó có Nhà thơ Tố Hữu. Di tích ngục Đăk Glei đã được xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia, nơi đây hàng năm vẫn là điểm hẹn của các cán bộ lão thành ôn lại những kỷ niêm của thời đã qua. Du khách thăm quan khu du lịch này như thấy lại được tinh thần và ý chí cách mạng quật cường của những chiến sỹ cộng sản bị giam giữ, tù đày tại các nhà lao, nhà ngục của bon thực dân đế quốc.
Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh
Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh nằm trên một quả đồi có độ cao 600 m, cách thị trấn Đăk Tô 1 km về hướng Tây Nam. Di tích nằm trên quốc lộ 14 đoạn từ Đăk Tô đi Ngọc Hồi. Đây là chiến trường ác liệt nhất của khu vực Tây Nguyên, là căn cứ mạnh nhất của Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên được giải phóng tháng 4 năm 1972.
Hiện nay di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia, du khách đến thăm quan sẽ thấy sừng sững giữa trung tâm thị trấn Đăk Tô đài tưởng niệm chiến thắng thể hiện sự đoàn kết, chung sức chung lòng của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên với đảng, là nơi tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh tại nơi này.
Từ trung tâm thị trấn du khách sẽ nhìn thấy tấm bia lớn ghi lại chiến tích lẫy lừng của chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, sân bay Phượng Hoàng được Mỹ xây dựng trải dài trên 2 km theo đường đi huyện Ngọc Hồi.
Với các dữ liệu lịch sử sinh động, hấp dẫn hiện đang được huyện Đăk Tô tôn tạo, bảo quản sẽ giúp rất nhiều cho các du khách muốn tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hoá của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum và đặc biệt du khách đến thăm quan, nghiên cứu, tìm hiểu còn được thăm quan nét đặc trưng văn hoá của dân tộc Tây Nguyên (nhà Rông, các lễ hội, văn hoá, văn nghệ dân gian...) và nghỉ ngơi, thư giãn tại suối nước nóng Đăk Tô, Thác Đăk Lung thuộc địa phận xã Kon Đào.
Nhà thờ gỗ Kon Tum
Nhà thờ nằm trên đường Nguyễn Huệ - thành phố Kon Tum, được xây dựng năm 1913, là một công trình được kiến trúc toàn bằng gỗ, đẹp theo lối Roman. Từ xa, tháp chuông cao ngất, sừng sững trên nền trời. Bên trong, cột và các giàn gỗ được lắp ghép một cách tinh xảo và khéo léo. Cung thánh nhà thờ được trang trí theo lối hoa văn của các dân tộc ít người Tây Nguyên. Nhà thờ là nơi các giáo dân cùng nhau đi lễ tạo nên những nét trang nghiêm và tôn kính của giáo đường.
Làng Du lịch Kon Ktu
Hằng ngày làng thường xuyên đón khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến thăm tỉnh cực Bắc Tây Nguyên. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc sắc còn nguyên sơ, với mái nhà rông truyền thống của người Bana cao vút, những nếp nhà sàn cổ kính. Đêm đến giữa sân nhà Rông của làng, củi được chất thành một đống to và được đốt lên, cái giá lạnh của cao nguyên sẽ bị xua tan hết, hơi ấm của sự mộc mạc, chân tình, gần gũi, thân thiện như hòa quyện nồng ấm giữa chủ và khách.
Du khách được xem chương trình biểu diễn cồng chiêng, với điệu múa xoang của các cô sơn nữ làng Konktu, cùng với rượu ghè thơm lừng ngây ngất hòa vào tiếng cồng chiêng bay bổng đến nức lòng. Đến đây khách có thể ngủ qua đêm tại nhà Rông của làng, cả con trai và con gái - đây là điều khác biệt của người Bana ở làng Kon ktu so với rất nhiều dân tộc khác sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên.
Đến Konktu, khách còn có thể đi thăm thác H'Lay và thác Mốp cách làng chừng 2000m, dòng thác tuôn trào trắng xóa đẹp như cô sơn nữ đang vươn mình chải tóc. Nếu thích, du khách sẽ được những người đàn ông Bana chèo thuyền độc mộc chở đi xuôi theo dòng Đắk Bla, dọc triền sông bạn có thể tha hồ ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, những cánh rừng nguyên sinh rủ bóng xuống lòng sông.
Đến Kontum, đi dọc làng du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều sơn nữ Bana xinh đẹp đang miệt mài ngồi dệt thổ cẩm, những chàng trai của làng thì đang đan gùi chuẩn bị cho việc nương rẫy vào năm sau.
Đến với Kontum, bạn sẽ được thỏa mãn đi thăm thú khắp nơi. Vùng đất Tây Nguyên luôn cuốn hút bởi những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, với phong cảnh hữu tình sẽ mang lại cho bạn những phút giây đáng nhớ.
Du lịch, GO!- Tổng hợp từ Wikipedia, Yeudulich, internet
Đăng nhận xét