Cách trung tâm thành phố Kon Tum chừng 8 km, làng du lịch sinh thái Kon K’Tu thuộc xã Đắk Rơ Wa - thành phố Kon Tum (Kon Tum) hiện đang thực sự cuốn hút du khách thập phương.
< Cầu treo Kon Klor nối liền hai bờ của dòng Đăkbla trên đường dẫn vào làng Kon K'tu.
Đây là ngôi làng cổ còn giữ được những nét nguyên sơ nhất của văn hóa dân tộc Banar. Kon K’Tu có 92 hộ với 530 nhân khẩu đồng bào dân tộc Banar sinh sống. Theo tiếng Banar thì Kon K’Tu là làng nguyên gốc, nguyên sơ. Được hình thành rất sớm, đến nay Kon K’Tu vẫn giữ nguyên được những nét cổ kính, hùng vĩ và hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng.
Đứng ở Kon K’Tu phóng tầm mắt về hướng đông, đỉnh Kong Muk sừng sững in bóng xuống dòng Krông BLả hiền hòa. Dọc theo bờ sông Đắk Bla chừng 5km là bãi cát phẳng lỳ ôm lấy Kon K’Tu.
Tìm về nét văn hóa truyền thống và những lễ hội của người Banar ở Kon K’Tu, già A Xép cho biết: “Hiện tại, dân làng vẫn duy trì được đội cồng chiêng với 18 người, đội múa xoang với 30 người. Đặc biệt là vẫn giữ được lễ hội bắt giọt nước (K’lang T’nglang)”.
Lễ hội này được tổ chức vào đầu tháng Giêng hằng năm. Dân làng tổ chức lễ hội để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; cầu cho bà con trong làng khỏe mạnh; dân làng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, không được ăn trộm ăn cắp của nhau. Thời gian lễ hội kéo dài 2 ngày 2 đêm.
Ngày đầu tiên chuẩn bị cây nêu, ngày hôm sau cúng tế giàng (tế trời) và thết đãi dân làng. Làng giàu có thì cúng nhiều trâu, bò, múa xoang, cồng chiêng...
Đến Kon K’Tu, ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ hoang sơ của làng cổ, du khách còn được chiêm ngưỡng nét uyển chuyển trong điệu múa xoang của những chàng trai cô gái Banar với trang phục thổ cẩm chính tay họ dệt nên, được tận hưởng men say ngây ngất của rượu cần.
Lần theo con đường vào khu rừng sinh thái (khoảng 2.000 mét), du khách sẽ có dịp thả hồn bên dòng thác H’Lay, Thác Mập. Hay ngẫu hứng hơn, có thể mang thuyền cao su, thuyền độc mộc lên phía thượng nguồn (thôn Kon PNang, xã Hà Tây - Chư Păh - Gia Lai) để lững lờ trôi trên dòng Krông Blả, nhào lộn ngoạn mục cùng những dòng thác để về xuôi ngắm non nước, trời mây, vãn cảnh bãi tắm Kon K’Tu...
< Vận chuyển khách bằng xuồng độc mộc của người dân Kon K’ Tu.
Khi màn đêm buông xuống, tại Nhà Rông văn hóa Kon K’Tu, du khách sẽ được tận hưởng những âm sắc cồng chiêng say đắm lòng người trong men say của rượu cần người Banar bản địa.
Thôn trưởng A Khẻo (người 35 năm làm thôn trưởng) cho biết: “Mỗi ngày Kon K’Tu đón từ 40 -50 khách du lịch nước ngoài đến tự do. Đặc biệt kể từ ngày cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể của nhân loại thì lượng khách đến thăm làng ngày một đông hơn”.
Du lịch, GO! - Theo Báo Văn hóa, internet
Đăng nhận xét