'Ngôi nhà điên" trăm tỷ nổi tiếng vì kiến trúc độc đáo đến quái dị với trường phái biểu hiện, vẻ bề ngoài trông như những gốc cây, hang động giữa rừng già, hoặc một phần cơ thể của những con thú hoang dã.
Crazy house - Biệt thự Hằng Nga là công trình đặc biệt tại Đà Lạt. Ngôi nhà được xây dựng bằng xi măng cốt thép nhưng có kiểu dáng kỳ lạ.
Được xây dựng từ năm 1990 ngôi nhà phá cách có 100 mái trên khuôn viên rộng gần 1.900 m2, nổi tiếng vì kiến trúc độc đáo đến quái dị với trường phái biểu hiện, vẻ bề ngoài trông như những gốc cây, hang động giữa rừng già, hoặc một phần cơ thể của những con thú hoang dã.
Tọa lạc ở số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), ngôi nhà có tên gọi ban đầu là Biệt thự Hằng Nga, sau đổi thành Ngôi nhà điên (Crazy house) hay Ngôi nhà kỳ dị. Tiến sĩ - kiến trúc sư Đặng Việt Nga, chủ nhân ngôi nhà, cho biết công trình là một thông điệp nhắn nhủ con người trở về gần gũi với thiên nhiên và yêu mến nó, chứ không phải là tận diệt nó như tình trạng khai thác hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
"Tôi yêu Đà Lạt và chính phong cảnh tuyệt đẹp, khí hậu trong lành cũng như sự hiền hòa của con người Đà Lạt khiến cho tôi quyết định gắn bó với mảnh đất này đến cuối đời và thực hiện ước mơ của mình bằng sự đam mê trong sáng tạo nghệ thuật kiến trúc", bà Nga chia sẻ.
Kiến trúc sư Đặng Việt Nga tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Moscow (1959-1965), từ 1969-1972 tiếp tục học và lấy bằng tiến sĩ tại Nga. Bà sống và làm việc tại Đà Lạt từ năm 1983 đến nay.
Tiến sĩ - kiến trúc sư Đặng Việt Nga, chủ nhân "Crazy house", bộc bạch: “Khi thực hiện công trình này tôi rất trăn trở. Thiên nhiên đang bị tàn phá từng ngày, bằng tiếng nói của kiến trúc tôi muốn kéo con người trở về với thiên nhiên, gần gũi và yêu mến nó chứ không phải hủy diệt...”. Thực tế, khi bắt tay thực hiện “Crazy house” không phải ai cũng đồng tình với chủ nhân. “Có lúc tưởng như phải phá bỏ”
Năm nay đã bước qua tuổi 70, nhưng bà Việt Nga vẫn quyết tâm theo đuổi những ý tưởng “lập dị” của mình, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục dở dang như: nhà rông Tây Nguyên với nhiều màu sắc sặc sỡ dựa theo mô-típ trang phục của phụ nữ các dân tộc, hoàn thiện hệ thống cầu thang dây leo, dãy núi (phía sau) mà bên trong là phòng triển lãm tranh, ảnh, kiến trúc của các nghệ sĩ Lâm Đồng. Bà mong ước mở rộng diện tích quần thể kiến trúc này lên 9.000m2, biến nơi đây thành khu bảo tồn thiên nhiên thực thụ, xen lẫn là những công trình kiến trúc đặc trưng của núi rừng Đà Lạt. Để thực hiện được ý tưởng này, chủ nhân "Crazy house" cho biết cần một số vốn khoảng 100 tỉ đồng.
Điều đặc biệt ở Ngôi nhà điên là từ trần đến cửa và mái đều thiết kế tùy hứng không theo quy luật, thả sức uốn lượn; còn cửa sổ được cắt theo những hình thù kỳ lạ và đặt ở trong những chỗ lồi lõm của những bức tường hình bầu dục.
Ngay từ cổng vào, du khách sẽ "đập vào mắt" một tấm mạng nhện to đùng, tất nhiên không phải bằng tơ nhện thật, mà là dây thép nhưng rất ấn tượng. Bước tiếp qua những bậc thang nhỏ xíu, xoắn ốc... là khách sạn Hốc Cây và lâu đài Mạng Nhện. Đó là hai thân cây cổ thụ làm bằng bê tông, trong đó có những căn phòng đầy đủ tiện nghi cần thiết của một khách sạn sang trọng, mang tên của các loài vật như: kangourou, hổ, gấu, trĩ, khỉ...
Đẹp nhất vẫn là phòng “quả bầu” - cũng chính là phòng cao nhất và được khách du lịch quốc tế rất thích. Đêm về, nếu ngủ trong căn phòng này, nhìn thẳng lên trần nhà có thể thỏa thích ngắm nhìn trăng sao...; đồng thời có thể đốt củi, giữ ấm suốt đêm để ngủ mà không cần đắp chăn.
Một du khách nước ngoài đã ghi vào sổ lưu niệm rằng, Ngôi nhà điên là tòa lâu đài độc đáo, khác thường và hoang tưởng nhất Việt Nam, nếu không nói là của vùng Đông Nam Á.
Cùng ngắm kiến trúc đặc biệt của "ngôi nhà điên":
Kiến trúc của ngôi nhà muốn kéo con người trở về với thiên nhiên, gần gũi và yêu mến nó chứ không phải hủy diệt.
Ánh nắng tự nhiên tràn ngập khắp trong căn nhà.
Ngôi nhà được thiết kế tùy hứng, không theo quy luật.
Giá nghỉ 1 đêm ở trong "ngôi nhà điên" cũng không hề "mềm".
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Đăng nhận xét